Hầu hết sinh viên ngành công nghệ thông tin đều thiếu kỹ năng, kiến thức và ngoại ngữ
“Từ nay đến năm 2010, chúng tôi cần khoảng 1.000 lao động chuyên về công nghệ thông tin (CNTT), thế nhưng để tuyển được đội ngũ này là điều khó khăn vì nguồn nhân lực này đang khan hiếm”.
Ông Hà Văn Lượm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft, cho biết như vậy tại hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT” do Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH TPHCM tổ chức cuối tuần qua.
Lĩnh vực nào cũng cần
Nhu cầu nhân lực CNTT không chỉ có ở các doanh nghiệp (DN) sản xuất phần mềm mà ở hầu hết các DN sản xuất kinh doanh. Theo Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM: Hiện TP có khoảng 100.000 DN, trong đó có hơn 6.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Ước tính đến năm 2010, toàn TP có trên 10.000 DN hoạt động trong lĩnh vực này. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cho rằng không chỉ riêng các công ty chuyên về CNTT mới sử dụng nguồn lao động này mà hầu hết các lĩnh vực như du lịch, giải trí, tài chính, ngân hàng và cả nông nghiệp đều ứng dụng CNTT với nhu cầu ngày càng tăng; đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Ông Võ Văn Khang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho biết chỉ trong năm 2007, ngành tài chính bùng nổ với sự ra đời của 6 ngân hàng thương mại quốc doanh, 35 ngân hàng TMCP, 2 ngân hàng nước ngoài, 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 12 công ty tài chính và gần 100 công ty chứng khoán. Cứ bình quân mỗi ngân hàng cần 5% nhân lực CNTT trong tổng nhân lực của ngành thì số lượng lao động ngành CNTT sẽ không nhỏ. Đặc biệt, tại Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, đến năm 2012, cần thêm 12.000 nhân viên kỹ thuật, xử lý dữ liệu, vận hành...
Nhân lực vừa thiếu vừa yếu
Không chỉ thiếu hụt về số lượng mà chất lượng nguồn nhân lực CNTT cũng đáng báo động. Ông Huỳnh Thanh Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Phần mềm Asia, kể: “Khi tuyển dụng, chúng tôi gặp rất nhiều sinh viên biết rất nhiều lĩnh vực nhưng lại không chuyên sâu một lĩnh vực nào. Nhiều bạn trẻ còn thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ năng và ngoại ngữ”. Còn ông Võ Văn Khang, rút ra từ kết quả phỏng vấn 300 sinh viên về khả năng đáp ứng cho công việc như sau: Chỉ 5% đến 10% cấp quản lý đạt yêu cầu, cấp trưởng nhóm là 15% và nhân viên là 30%.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT cũng được phản ánh qua kết quả thống kê của Viện Chiến lược CNTT khi phỏng vấn sinh viên mới ra trường: 72% không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực nào họ có thể làm tốt. Đặc biệt, có đến 77,2% DN phải đào tạo lại các nhân viên mới trong thời gian ít nhất 3 tháng.
Nhà trường và DN phải liên kết
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Bưu chính Sài Gòn, dự đoán: Đến năm 2010, hầu hết các công việc liên quan đến lập trình và hỗ trợ dịch vụ đều được thuê thông qua các nhà cung cấp dịch vụ. Thị trường sẽ cần nhiều chuyên gia có khả năng xử lý các vấn đề kinh doanh, kiến trúc và hoạch định cũng như khả năng truyền thông, sáng tạo, thích nghi với điều kiện làm việc mới.
“Việc đào tạo nhân lực CNTT chưa sát thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu. Để tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo, các trường, cơ sở đào tạo cần chú trọng hơn đến nhu cầu thị trường, nhu cầu DN”. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Không Gian, nhìn nhận như vậy. Về phía DN, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, đề nghị nên có nội dung, chương trình hợp tác chi tiết và có tính hoạch định để nhà trường không bị động, đặc biệt phải có sự nghiêm túc trong việc nhận và bảo đảm cho sinh viên thực tập tại DN. Có như thế, nguồn nhân lực CNTT mới có thể đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Đến năm 2010, cần 100.000 lao động CNTT
Hiện nguồn nhân lực CNTT của TPHCM khoảng 25.000 lao động. Trong đó, lao động phần cứng có 10.000 người, lao động phần mềm và dịch vụ khoảng 15.000 người. Đến năm 2010, TP cần khoảng 100.000 lao động CNTT; trong đó 21% đại học, 13% cao đẳng và 66% trung cấp. Đến năm 2015 cần thêm khoảng 330.000 người. _(Nguồn: Sở Thông tin -Truyền thông)
Theo NLĐO
Kênh Việt Nam trực tuyến
10 years ago
0 comment:
Post a Comment